37 phẩm trợ đạo là gì? Ý nghĩa của 37 phẩm trợ đạo

37 phẩm trợ đạo hay “tam thập thất bồ đề phần” là ba mươi bảy pháp môn hỗ trợ người tu hành trên con đường đạt đến trạng thái tỉnh thức, giác ngộ. Trong giáo lý của đạo Phật, 37 phẩm trợ đạo là con đường chính nằm trong “Tứ Diệu đế” hay cụ thể là Đạo đế. Vì vậy, người tu hành khi hiểu và tu tập theo 37 phẩm trợ đạo sẽ diệt trừ được mọi tham chấp, phiền muộn, vô minh.

1/ 37 phẩm trợ đạo là gì?

37 phẩm trợ đạo được chia ra làm 7 phần là: Tứ niệm xứ (Tứ niệm trụ) Tứ Chánh Cần Tứ Như Ý Túc Ngũ Căn Ngũ Lực Thất Giác Chi Bát Chánh đạo Nội dung cụ thể của từng phần bao hàm các điều sau:

1.1/ Tứ niệm xứ (4)

Tứ Niệm xứ hay Tứ Niệm trụ, tứ ý chỉ, tứ niệm có nghĩa là 4 phạm trù thân – thọ – tâm – pháp. 4 phạm trù này cũng chính là mấu chốt để người tu hành tập trung ý niệm của mình khi tu tập. Tại sao lại là 4 phạm trù này? Theo giáo lý nhà Phật, khi ta muốn thấu hiểu bất cứ điều gì thì phải dùng quán niệm. “Quán” tức là vận dụng trí tuệ để tư duy, phân tích, thấu hiểu được bản chất của sự việc. “Niệm” tức là nhớ, suy nghĩ đến đối tượng đang cần quan sát, tư duy. Như vậy, chỉ khi ta thật sự tập trung vào một trong 4 phạm trù này khi tu tập thì ta mới hoàn toàn ngăn chặn được những tạp niệm khởi lên trong tâm mình. Vậy phân tích Tứ Niệm xứ ta thấy được: Quán niệm về thân hay Thân niệm trụ, Thân niệm xứ: Có nghĩa là thực hành phép thiền định về thân. Ta ý thức được sự bình yên của cuộc sống hiện tại thông qua việc quán thân trong hơi thở (ý thức, nhận biết mình đang hít vào, thở ra, hơi thở nông – sâu), quán thân trong cử chỉ đi – đứng – nằm – ngồi (ý thức, tập trung trong mọi hoạt động của thân thể), quán thân hiểu được thân thể này là vô thường. Quán niệm về thọ hay Thọ niệm trụ, Thọ niệm xứ: “Thọ” có nghĩa là cảm thọ, là sự chấp nhận. Thọ có 3 trạng thái: “Lạc thọ” – cảm giác sung sướng, thích thú; “Khổ thọ” – cảm giác khổ đau, buồn chán; “Bất khổ bất lạc thọ” – cảm giác trung dung, không quá sung sướng, không quá khổ đau. Như vậy, quán niệm về thọ tức là ta thực hành nhận thức cảm giác, cảm xúc của bản thân. Ta chấp nhận chúng dù có dễ chịu, trung tính hay khó chịu vì ta biết các cảm giác này là vô thường, là không kéo dài mãi mãi. Quán niệm về tâm hay Tâm niệm trụ, Tâm niệm xứ: Tức là thực hành nhận diện các biểu hiện của “tâm” trong đời sống. Tâm có thể tồn tại ở các dạng: Tâm thiện, tâm ác, tâm tham, tâm ích kỷ… “Quán niệm về tâm” tức là thực hành quan sát về tâm của chính mình để hiểu sự có mặt, sự thay đổi trạng thái của nó.  Quán niệm về pháp hay Pháp niệm trụ, Pháp niệm xứ: Trong đạo Phật, “pháp” được hiểu với ý nghĩa rất rộng, gồm cả vật chất, tinh thần, tâm lý, vật lý, vũ trụ, nhân sinh. Quán niệm về pháp tức là hiểu rằng mọi pháp đều phụ thuộc vào nhau, tác động lẫn nhau, hiểu được mối liên hệ của bản thân và vũ trụ, hiểu được mọi pháp đều vô ngã.

1.2/ Tứ chánh cần (4)

“Cần” có nghĩa là tinh cần để đoạn trừ cái ác, sự biếng nhác của bản thân trên con đường hành thiện. “Tứ chánh cần” tức là bốn phương tiện như sau: Tinh tấn tránh làm các điều ác chưa sinh Tinh tấn vượt qua những điều ác đã sinh Tinh tấn phát huy các điều thiện đã có,  nhất là tu học Thất giác chi Tinh tấn làm cho các điều thiện phát sinh

1.3/ Tứ Như Ý Túc (4)

“Như ý” tức là đạt được như ý mình. “Túc” nghĩa là chân, sự nương tựa, sự đầy đủ. “Tứ Như Ý Túc” có nghĩa là 4 phương tiện giúp ta đạt được thành tựu như ý muốn. 4 phương tiện đó bao gồm: Dục Như Ý túc, Tinh tấn Như Ý túc, Nhất tâm tứ Như Ý túc và Quán Như Ý túc. Cụ thể, Dục Như Ý túc: Tức là mong muốn được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, sống một cuộc đời thanh cao, đẹp đẽ. Tinh tấn Như Ý túc: Tức là chuyên nhất, kiên định, tinh thần tu tập mạnh mẽ để đạt được mục đích giải thoát. Nhất tâm tứ Như Ý túc: Tức là chuyên tâm nhất nhất vào mục đích, không tán loạn để đạt được thành công. Quán Như Ý túc: Tức là quan sát pháp mình đang tu bằng trí tuệ sáng suốt, đạt đến trạng thái thiền định.
37 phẩm trợ đạo là gì? Ý nghĩa của 37 phẩm trợ đạo

1.4/ Ngũ căn (5)

“Ngũ căn” tức là năm nền tảng căn bản để phát sinh thiện pháp, là con đường đưa về chánh đạo. Năm can ấy bao gồm: Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Huệ căn. Tín căn: Tức là tin tưởng tuyệt đối, chắc chắn vào Tam bảo và đạo lý Tứ Diệu đế. Niềm tin này được xây dựng từ lý trí, từ tư duy kỹ càng, từ trí tuệ sau khi đã tìm hiểu một cách kỹ càng và minh bạch.  Tấn căn: Tức là siêng năng, kiên trì, nỗ lực đến cùng trong việc thực hành tu tập đạt đến giải thoát mà không bao giờ được thoái lui.  Niệm căn: Tức là nhớ, suy nghĩ đến những phương tiện trợ duyên trên con đường hướng đến giải thoát. “Niệm” ở đây là: Nhớ thực hành bố thí (niệm thí); Nhớ đến việc trì tịnh giới nhằm diệt trừ các phiền não, nghiệp chướng (niệm giới); Nhớ đến cách tu tập bốn thiền định nhằm thanh lọc tất cả phiền não (niệm thiên). Định căn: Tức là tập trung tâm tưởng vào một chỗ, không để ngoại cảnh tác động khiến cho dao động. Huệ căn: Tức là hiểu rõ được chân lý của muôn pháp, tiêu trừ phiền não, hình thành năng lực thiện pháp.

1.5/ Ngũ lực (5)

“Ngũ lực” là sức mạnh sinh ra trong quá trình tu hành, giúp duy trì sự kiên định liên tục để đạt đến sự giải thoát. Nếu ví ngũ căn như 5 cánh tay thì ngũ lực chính là sức mạnh của 5 cánh tay. Nội dung của ngũ lực bao gồm: Tín lực: Sức mạnh sinh ra từ tín căn có khả năng phá hủy những tà tín. Tấn lực: Sức mạnh sinh ra từ tinh tấn căn, có khả năng phá hủy sự lười biếng của thân. Niệm lực: Sức mạnh sinh ra từ niêm căn, có khả năng phá hủy mọi tà niệm đồng thời giữ gìn chánh niệm bằng tứ niệm xứ. Định lực: Sức mạnh sinh ra từ định căn, có khả năng chống lại những loạn tưởng, diệt dục phiền não. Huệ lực: Sức mạnh sinh ra từ huệ căn, có khả năng giải thoát bằng cách phá hủy quán ngộ Tứ đế, thành tựu trí tuệ.

1.6/ Thất bồ đề phần (7)

Tức là 7 phương tiện giúp chúng sinh đi đến giải thoát giác ngộ. Đó là: Niệm giác chi: Tiêu diệt tà niệm, vọng tâm để hiểu rõ chân tướng vô thường, khổ não, vô ngã của vạn vật trong vũ trụ. Trạch pháp giác chi: Tức là từ việc phân tích một cách khách quan các pháp để nhìn ra đâu là thật, đâu là giả. Tinh tấn giác chi: Đề cao tầm quan trọng của việc kiên trì, nỗ lực, cố gắng để đạt tới sự giải thoát. Hỷ giác chi: Tức nói đến sự hoan hỷ, tinh thần phấn chấn, vui thích trên con đường tu đạo vốn nhiều khó khăn. Khinh an giác chi: Tức là tâm an tịnh, thư thái,  không bị giao động. Định giác chi: Tức là tập trung trí tuệ đến mức kiên định để đạt đến sự giải thoát giác ngộ. Xả giác chi: Tức là thản nhiên, tự tại trước những nghịch cảnh.

1.7/ Bát chánh đạo (8)

Bát chánh đạo là con đường 8 nhánh (hoặc 8 con đường đúng đắn) đưa chúng sinh đạt tới giải thoát. Tám nhánh của con đường đó là : Chánh kiến: Tức là biết đúng, hiểu đúng về chính bản thân mình và vạn vật xung quanh, từ đó diệt trừ các chấp ngã mê lạc. Chánh tư duy: Tức là suy nghĩ, nghiền ngẫm những chân lý Phật dạy để từ đó thật sự hiểu đúng và kiên định trên con đường tu tập. Chánh ngữ: Tức là nói sao cho đúng, nói sao cho ngay thẳng, hợp lý và công bằng. Đồng thời, lời nói cần tránh gây chia rẽ bất hòa, tránh dùng lời nói thô tục để làm nhục kẻ khác, tránh nói chuyện vô bổ Chánh nghiệp: Tức là làm việc chân chính, làm điều thiện lương đúng với lẽ phải. Mục đích của việc này là để tạo ra công đức để thoát khỏi luân hồi sinh tử. Chánh mạng: Tức là làm ăn sinh sống bằng nghề thiện lương, tránh nghề sát sinh, bài bạc, buôn bán vũ khí, vũ trường… Chánh tinh tấn: Tức là siêng năng, kiên định vào con đường tu tập. Chánh niệm: Tức là ghi nhớ, suy nghĩ về những đạo lý đúng đắn, chân chính, từ đó diệt trừ tà tâm, phát triển chánh tâm. Chánh định: Tức là kiên định để thấy rõ bản chất thực sự của sự vật hiện tượng, từ đó diệt trừ những vọng tưởng tham-sân-si.
Bát chánh đạo

2/ Kết luận

37 phẩm trợ đạo là “con đường lớn” chỉ dẫn, đưa người tu hành đi đúng hướng trên con đường hướng đến cõi niết bàn giải thoát. Nói theo thầy Thích Thông Lạc thì nếu người tu hành có hiểu biết về 37 phẩm trợ đạo thì sẽ không bao giờ có thể “đi chệch” khỏi đường lối của Phật giáo, tức là không dễ bị các pháp môn ngoại đạo làm lung lay, lừa dối. Vì thế, trước khi thực hành tu tập, người tu hành cần nghiên cứu kỹ lưỡng về 37 pháp môn này. Nguồn: https://chiasedaophat.com/37-pham-tro-dao/ I Cộng đồng Vị Cư Sĩ Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *